Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói chung và kinh doanh phân phối nguyên vật liệu nói riêng. Việc yêu cầu hàng hóa phải có đầy đủ giấy tờ CO, CQ kèm theo là một điều tất yếu. Vậy CO là gì?, CQ là gì? và chức năng và cách sử dụng như thế nào là đúng? Quý khách hãy cùng thuyluc.vn tìm hiểu thêm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Trên thực tế CO và CQ là hai chứng từ hoàn toàn khác nhau và có chức năng quan trọng khác nhau.
CO là gì?
CO là một chứng từ nằm trong bộ chứng từ xuất nhập khẩu hàng hóa. CO hay C/O là viết tắt của từ Certificate of Origin, dịch sang tiếng Việt là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là chứng từ do nhà sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp để xác nhận nơi sản xuất ra hàng hóa.
Đối với CO do nhà sản xuất cung cấp là dạng không chính thống nên không được hưởng các chế độ ưu đãi thuế quan của các nước nhập khẩu hàng hóa đó.
C/O phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu, thành ra có nhiều loại CO (miễn thuế, ưu đãi thuế quan, có hạn ngạch,…). Do đó mục đích của CO là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về XNK của hai nước nhập và xuất khẩu.
Cơ quan có thẩm quyền cấp phát CO tại Việt Nam
Bộ công thương là cơ quan có thẩm quyền cấp CO tại Việt Nam. Bộ này ủy quyền cho một số cơ quan, tổ chức đảm nhận công việc này. Mỗi cơ quan được cấp một số loại C/O nhất định. Ví dụ
- Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI: Cấp C/O form A, B…
- Các Phòng Quản lý XNK của Bộ Công thương: cấp C/O form D, E, AK …
- Các Ban quản lý KCX - KCN được Bộ Công thương ủy quyền: cấp C/O form D, E, AK…
Mục đích của CO
Ngoài việc xác nhận xuất xứ của hàng hóa theo hợp đồng mua bán. CO còn có các chức năng sau:
- Ưu đãi thuế quan: Việc xác định được xuất xứ của hàng hóa giúp cho hải quan phân biệt được đâu là hàng nhập khẩu được hưởng ưu đãi theo thỏa thuận thương mại đã ký kết giữa các quốc gia.
- Áp dụng thuế chống phá giá và trợ giá: Việc xác định được xuất xứ khiến cho việc chống phá giá và áp dụng thuế chống trợ giá trở nên khả thi.
- Thống kê thương mại và duy trì hệ thống hạn ngạch: Việc xác định xuất xứ giúp cho việc thống kê thương mại đối với một nước trở nên dễ dàng hơn trên cơ sở đó cơ quan thương mại sẽ duy trì hệ thống hạn ngạch.
Nội dung cơ bản trong CO
Thông thường sẽ bao gồm:
- Loại mẫu CO
- Tên, địa chỉ công ty xuất khẩu, nhập khẩu
- Tiêu chí về vận tải
- Tiêu chí về hàng hóa
- Tiêu chí về xuất xứ hàng hóa
- Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước cấp xuất khẩu
Các mẫu CO áp dụng tại Việt Nam
- CO form A: hàng xuất khẩu sang các nước cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP
- CO form B: hàng xuất khẩu sang tất cả các nước, cấp theo quy định xuất xứ không được hưởng ưu đãi
- CO form D: hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định CEPT
- CO form E: hàng xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc ngược lại và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ASEAN – Trung Quốc (ASEAN + 1)
- CO form S: hàng xuất khẩu sang Lào thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định Việt Nam – Lào
- CO form AK: hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc hoặc ngược lại và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ASEAN-Hàn Quốc (ASEAN + 2)
- CO form AJ: hàng xuất khẩu sang Nhật Bản hoặc ngược lại và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ASEAN-Nhật Bản (ASEAN + 3)
- CO form VJ :Việt nam - Nhật Bản
- CO form GSTP: hàng xuất khẩu sang các nước tham gia hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu (GSTP) cho Việt Nam hưởng ưu đãi GSTP
- CO form ICO: cấp cho sản phẩm từ cà phê trồng và thu hoạch tại Việt Nam xuất khẩu sang tất cả các nước theo quy định của Tổ chức cà phê thế giới (ICO)
- CO form T: Cấp cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU theo hiệp định dệt may Việt Nam-EU
- CO form Mexico: (thường gọi là anexo III) cấp cho hàng dệt may, giày dép xuất khẩu sang Mexico theo quy định của Mexico
- CO form Venezuela: cấp cho hàng xuất khẩu sang Venezuela theo quy định của Venezuela
- CO form Peru: cấp cho hàng giày dép xuất khẩu sang Peru theo quy định của Peru
- CO form AANZ: ASEAN - Australia - New Zealand
- CO form VC: Việt Nam - Chile
- CO form AI :ASEAN - Ấn Độ
CQ là gì?
CQ hay C/Q là viết tắt của Certificate of Quality dịch ra là giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc quốc tế. Mục đích của CQ là để chứng minh hàng hóa sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố kèm theo hàng hóa đó.
Hầu hết các cơ quan chứng nhận sản phẩm (hoặc các chứng nhận sản phẩm) đều được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế ISO / IEC Guide 65: 1996
Chứng từ này không bắt buộc phải có trong hồ sơ khai hải quan trừ một số mặt hàng quy định bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký.
Chứng chỉ chất lượng CQ rất quan trọng cho cả nhà sản xuất và khách hàng của họ. Các báo cáo này xác nhận rằng vật liệu hoặc sản phẩm đã nhận được đáp ứng thông số kỹ thuật.
CO và CQ có đủ để chứng minh chất lượng của sản phẩm?
Thông thường CO và CQ đủ để chứng minh xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên trong các dự án tại Việt Nam, chủ đầu tư vẫn yêu cầu đem mẫu vật liệu đi thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý, chỉ tiêu hóa học tại các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng xem sản phẩm có phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của dự án hay không.